Bảo tồn Ophiophagus

Một con rắn hổ mang chúa khá dài tại khu bảo tồn thuộc Ghats tây, Ấn Độ

Tại Ấn Độ, rắn hổ mang chúa được bảo vệ tại mục II của Luật bảo vệ động vật hoang dã (1972) (đã sửa đổi) và ai giết rắn hổ mang chúa sẽ bị phạt tù đến 6 năm.[28][79] Tại phía tây nam Ấn Độ, vùng đất Ghats tây rộng mênh mông, bao quanh dãy núi chạy dọc bờ biển. Vùng đất này rộng đến 16.000 km2, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là vùng đất cực kỳ đa dạng sinh học. Ghats tây là nơi ẩm ướt nhất hành tinh. 40% lượng nước của Ấn Độ được cung cấp cho sông, suối bắt nguồn từ Ghats tây. Hiện Ghats tây là nơi mà số lượng loài rắn hổ mang chúa còn nhiều nhất thế giới. Nhiều khu bảo tồn rắn hổ mang chúa được quy hoạch tại đây để bảo tồn loài rắn này. Những nỗ lực quan trọng nhất để bảo tồn loài này được thiết lập tại Trạm nghiên cứu rừng mưa Agumbe. Được thành lập do nhà nghiên cứu bò sát Rom Whitaker và tài trợ bởi quỹ "Whitley Fund for Nature", trạm hoạt động thúc đẩy bảo tồn rừng nhiệt đới khu vực, sử dụng rắn hổ mang chúa là loài biểu trưng. Trạm cung cấp cơ sở cho nghiên cứu sinh học loài này, thông tin hoạt động bảo tồn, liên quan đến sự tham gia của những tổ chức phi chính phủ địa phương, cũng như chương trình giáo dục tại trường học địa phương.[78] Việc bảo tồn rắn ở đây rất thuận lợi, bởi người dân bản địa rất tôn trọng rắn hổ mang chúa, xem chúng như thần linh, không bao giờ giết loài rắn này. Môi trường sống phù hợp, được bảo vệ nghiêm ngặt, nên rắn hổ mang chúa tại Ghats tây có điều kiện phát triển rất tốt, đạt kích thước cực đại. Chúng sống được đến 30 năm và không bao giờ ngừng phát triển. Các nhà khoa học nghiên cứu về rắn hổ mang chúa từ khắp thế giới đã đến vùng đất này và ghi nhận rắn ở đây có thể đạt kích cỡ dài 7m, nặng đến 35 kg.[80][81]

Tại miền nam Việt Nam, theo một số nguồn báo chí thì rắn hổ mây là tên gọi khác của loài rắn này, bởi vì tuy thân hình to lớn, đồ sộ nhưng rắn di chuyển nhanh như mây gặp gió.[82] Rắn hổ mang chúa được cho là một món ăn có nhiều giá trị dinh dưỡng và bị săn bắn khá nhiều trong tự nhiên. Đây là loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp, quý hiếm nhóm IB quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ, hiện còn rất ít ngoài tự nhiên do bị săn bắt và buôn bán trái phép.[83]